Hỏi - đáp tình huống pháp luật

Hỏi đáp về Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (Phần 3)

11/05/2016

Hỏi đáp về Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (Phần 3)

Câu hỏi 21: Trên thế giới hiện nay quyền lợi và nghĩa vụ của người tiêu dùng được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

          Hiện nay quyền lợi và nghĩa vụ của người tiêu dùng trên thế giới đã được Liên hiệp quốc và cộng đồng thế giới thừa nhận, đó là:

        Ø Quyền lợi: có 8 quyền lợi.

1. Quyền được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản: (quyền được có những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, nơi ở, chăm sóc sức khỏe, nhu cầu tinh thần…với giá trị hợp lý).

        2. Quyền được an toàn: (quyền có những hàng hóa, dịch vụ an toàn: không gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng, cả trước mắt và lâu dài).

3. Quyền được thông tin: ( được cung cấp các thông tin trung thực, chính xác và đầy đủ về các hàng hóa, dịch vụ để có thể lựa chọn một cách khách quan, chính xác. Quyền này còn bao gồm việc được bảo vệ chống lại các thủ đoạn dối trá, lừa đảo, các quảng cáo lừa dối).

4. Quyền được lựa chọn: (có quyền lựa chọn hàng hóa, dịch vụ mình cần một cách trung thực, không bị ép, lừa dối hoặc làm lạc hướng…với chất lượng hàng hóa, dịch vụ phù hợp với giá cả).

5. Quyền được lắng nghe: (quyền được bày tỏ ý kiến trong việc hoạch định các chủ trương, chính sách có liên quan đến lợi ích của người tiêu dùng, cả đối với cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh doanh. Quyền này bao gồm cả việc được tham khảo ý kiến trực tiếp hoặc thông qua đại diện của mình về những vấn đề liên quan đến người tiêu dùng).

6. Quyền được khiếu nại và bồi thường: (người tiêu dùng khi bị thiệt thòi có quyền khiếu nại và đòi hỏi được bồi thường hợp lý những thiệt hại chính đáng của mình, kể cả quyền khiếu nại hoặc kiện trước tòa án.

7. Quyền được giáo dục, đào tạo về tiêu dùng: (người tiêu dùng được quyền bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phong cách tiêu dùng lành mạnh và hợp lý để có thể chủ động và sáng suốt trong lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ để có được cuộc sống tiêu dùng hợp lý, để có thể tự bảo vệ mình và góp phần cho phát triển của xã hội).

8. Quyền có được môi trường sống lành mạnh và bền vững: (được sống trong một môi trường an toàn, lành mạnh, được sống xứng đáng, không bị đe dọa tới hạnh phúc của các thế hệ hiện tại và tương lai).

Ø Trách nhiệm và nghĩa vụ (thể hiện trên 5 quan điểm)

1. Biết phê bình: (khi thấy những hiện tượng tiêu cực làm ảnh hưởng tới lợi ích của mình và xã hội, người tiêu dùng có trách nhiệm phát hiện, phê bình và đấu tranh , như các hiện tượng làm và lưu hành hàng giả, hàng có chất lượng xấu có hại đến sức khỏe, phá hoại môi trường, các thủ đoạn gian dối, giá cả bất hợp lý…)

2. Hành động: (phải chủ động và thực hiện việc phê bình, đấu tranh nhằm làm cho xã hội công bằng, dân giàu, nước mạnh, không né tránh, đùn đẩy…).

3. Quan tâm đến cộng đồng và xã hội: (quan tâm đến công đồng và xã hội nói chung để góp phần thiết thực, tiến bộ của xã hội).

4. Hiểu biết về tiêu dùng và môi trường : (người tiêu dùng cần tự rèn luyện mình để trở thành người tiêu dùng có trình độ hiểu biết để tự để bảo vệ mình, tìm hiểu về môi trường để góp phần tạo lập và duy trì một môi trường sống lành mạnh, bền vững, đảm bảo hạnh phúc cho thế hệ tương lai).

5. Có trình độ cộng đồng cao: (người tiêu dùng cần quan tâm đến nhau, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau hành động để nâng cao sức mạnh, bảo vệ được mình và mang lại công bằng, hạnh phúc cho xã hội).

Câu hỏi 22: Các tổ chức nghề nghiệp có quyền và nghĩa vụ gì?

Trả lời:

Điều 21 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa quy định các tổ chức nghề nghiệp có quyền và nghĩa vụ sau:

1. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong việc áp dụng pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; xây dựng ý thức sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hoá có chất lượng, vì quyền lợi người tiêu dùng, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường; nâng cao nhận thức xã hội về tiêu dùng, xây dựng tập quán tiêu dùng văn minh.

2. Hỗ trợ, nâng cao nhận thức và vận động tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh áp dụng pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

3. Đào tạo, bồi dưỡng về phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và phản biện xã hội trong hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

4. Góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

5. Khiếu nại, khởi kiện trong tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hoá gây thiệt hại cho thành viên, tổ chức nghề nghiệp.

        Câu hỏi 23: Các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền và nghĩa vụ gì?

Trả lời:

1. Đại diện cho người tiêu dùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi nhận được khiếu nại, phản ánh về chất lượng hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, định lượng ghi trên nhãn hoặc không bảo đảm chất lượng theo hợp đồng.

2. Nhận thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, kinh doanh hàng hoá không phù hợp, mức độ không phù hợp của hàng hóa với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và cung cấp thông tin này cho các cơ quan thông tin đại chúng, đồng thời chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp theo quy định của pháp luật.

3. Kiến nghị cơ quan kiểm tra, thanh tra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hoặc giải quyết các vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

4. Khiếu nại, khởi kiện tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hoá gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

5. Tổ chức hướng dẫn, tư vấn về quyền lợi người tiêu dùng liên quan tới chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Câu hỏi 24: Người sản xuất, người nhập khẩu công bố tiêu chuẩn áp dụng thông qua phương tiện nào?

Trả lời:

        Điều 23 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định người sản xuất, người nhập khẩu tự công bố các đặc tính cơ bản, thông tin cảnh báo, số hiệu tiêu chuẩn trên hàng hoá hoặc một trong các phương tiện sau đây:

a) Bao bì hàng hoá;

b) Nhãn hàng hoá;

c) Tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hoá.

Nội dung của tiêu chuẩn công bố áp dụng không được trái với yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành.

          Câu hỏi 25: Người sản xuất phải thực hiện các yêu cầu gì về quản lý chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường?

  Trả lời:

          Điều 28 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 quy định:

        1. Người sản xuất phải thực hiện các yêu cầu về quản lý chất lượng sản phẩm trong sản xuất như sau:

        a) Áp dụng hệ thống quản lý nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm do mình sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

        b) Công bố tiêu chuẩn áp dụng quy định tại Điều 23 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và ghi nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá. 

        c) Lựa chọn chứng nhận hợp chuẩn, công bố hợp chuẩn đối với sản phẩm thuộc nhóm 1.

        d) Tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến quá trình sản xuất, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với sản phẩm thuộc nhóm 2.

        2. Việc bảo đảm chất lượng sản phẩm sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trước khi đưa ra thị trường được thực hiện theo quy định của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

        Câu hỏi 26: Việc kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất được tiến hành trong những trường hợp nào?

        Trả lời:

        Điều 29 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định:

        1. Việc kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất được tiến hành theo một trong các trường hợp sau đây:

        a) Hàng hoá xuất khẩu không bảo đảm chất lượng quy định tại Điều 32 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa;

        b) Hàng hoá lưu thông trên thị trường không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng quy định tại khoản 3 Điều 40 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

        2. Việc kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất do cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá được thực hiện dưới hình thức đoàn kiểm tra quy định tại Điều 48 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

        3. Trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất được quy định như sau:

        a) Xuất trình quyết định kiểm tra;

        b) Tiến hành kiểm tra theo nội dung quy định tại khoản 1 Điều 27 của Chất lượng sản phẩm hàng hóa;

        c) Lập biên bản kiểm tra;

        d) Thông báo cho người sản xuất và báo cáo cho cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá về kết quả kiểm tra;

        đ) Xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 30 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

        Câu hỏi 27: Điều kiện đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu?

        Trả lời:

        Điều 32 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định:

        1. Người xuất khẩu hàng hoá phải bảo đảm hàng hóa xuất khẩu phù hợp với quy định của nước nhập khẩu, hợp đồng hoặc điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với nước, vùng lãnh thổ có liên quan.

        2. Áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng trong quá trình sản xuất hoặc tự xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm do mình sản xuất.

        Câu hỏi 28: Điều kiện bảo đảm chất lượng hàng hoá nhập khẩu?

        Trả lời:

        Điều 34 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định các điều kiện bảo đảm chất lượng hàng hoá nhập khẩu như sau:

        1. Hàng hóa nhập khẩu phải được công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định tại Điều 23 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và ghi nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá.

        2. Hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm 2 phải được công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng liên quan đến quá trình sản xuất, sản phẩm cuối cùng bởi tổ chức chứng nhận được chỉ định hoặc được thừa nhận theo quy định tại Điều 26 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

        3. Hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm 2 không đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều này khi nhập khẩu phải được tổ chức giám định được chỉ định hoặc được thừa nhận theo quy định tại Điều 26 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa giám định tại cửa khẩu xuất hoặc cửa khẩu nhập.

        4. Hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm 2 phải được kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu theo nội dung quy định tại khoản 2 Điều 27, trình tự, thủ tục quy định tại Điều 35 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

        Câu hỏi 29: Điều kiện bảo đảm chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường?

        Trả lời:

        Điều 38 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định hàng hoá lưu thông trên thị trường phải được người bán hàng thực hiện các yêu cầu về quản lý chất lượng sau đây:

        1. Tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng trong quá trình lưu thông hàng hoá hoặc tự áp dụng các biện pháp kiểm soát chất lượng nhằm duy trì chất lượng của hàng hoá do mình bán;

        2. Chịu sự kiểm tra chất lượng hàng hoá theo nội dung kiểm tra quy định tại khoản 2 Điều 27; trình tự, thủ tục kiểm tra quy định tại Điều 39; xử lý vi phạm pháp luât quy định tại Điều 40 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

        Câu hỏi 30: Thế nào là kiểm soát viên chất lượng?

        Trả lời:

        Điều 50 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định:

        1. Kiểm soát viên chất lượng là công chức được bổ nhiệm vào ngạch kiểm soát viên chất lượng thuộc cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá. 

        2. Tiêu chuẩn, chế độ và việc bổ nhiệm kiểm soát viên chất lượng do Chính phủ quy định.