Hỏi - đáp tình huống pháp luật

Hỏi đáp về Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (Phần 4)

11/05/2016

Hỏi đáp về Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (Phần 4)

Câu hỏi 31: Nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm soát viên chất lượng?

        Trả lời:

        Điều 51 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định:

        Trong quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá, kiểm soát viên chất lượng có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

        1. Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh xuất trình các tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hoá theo nội dung kiểm tra quy định tại khoản 2 Điều 27 và xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra theo quy định tại Điều 40 của Luật này; khi cần thiết, yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cung cấp bản sao các tài liệu quy định tại khoản này;

        2. Niêm phong, tạm dừng bán hàng hoá không phù hợp trong quá trình kiểm tra trên thị trường;

        3. Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hoá không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng có biện pháp khắc phục, sửa chữa;

        4. Kiến nghị cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá xử lý theo thẩm quyền quy định tại Điều 46 của Luật này;

        5. Bảo đảm nguyên tắc khách quan, chính xác và không phân biệt đối xử khi tiến hành kiểm tra;

        6. Bảo mật kết quả kiểm tra và các thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được kiểm tra;

        7. Báo cáo chính xác và kịp thời kết quả kiểm tra cho cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá;

        8. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra, kết luận và xử lý vi phạm của mình.

        Câu hỏi 32: Thế nào là thanh tra về chất lượng sản phẩm hàng hóa?

        Trả lời:

        Điều 52 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa quy định:

        1. Thanh tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa là thanh tra chuyên ngành.

        2. Việc thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

        3. Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

        Câu hỏi 33: Tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hoá gồm những loại nào?

        Trả lời:

        Điều 53 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa quy định:

        Tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hoá bao gồm:

        1. Tranh chấp giữa người mua với người nhập khẩu, người bán hàng hoặc giữa các thương nhân với nhau do sản phẩm, hàng hoá không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc thỏa thuận về chất lượng trong hợp đồng.

        2. Tranh chấp giữa tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh với người tiêu dùng và các bên có liên quan do sản phẩm, hàng hoá không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.

        Câu hỏi 34: Tranh chấp về chất lượng sản phẩm hàng hóa bao gôm những loại tranh chấp nào?

        Trả lời:

        Điều 54 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định tranh chấp về chất lượng sản phẩm hàng hóa bao gồm:

        1. Tranh chấp giữa người mua với người nhập khẩu, người bán hàng hoặc giữa các thương nhân với nhau do sản phẩm, hàng hoá không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc thỏa thuận về chất lượng trong hợp đồng.

        2. Tranh chấp giữa tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh với người tiêu dùng và các bên có liên quan do sản phẩm, hàng hoá không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.

        Câu hỏi 35: Hình thức nào được áp dụng để giải quyết tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa?

  Trả lời:

Điều 55 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định có 04 hình thức để giải quyết tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa là:

        1. Thương lượng giữa các bên tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

2. Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thoả thuận chọn làm trung gian.

3. Giải quyết tại trọng tài hoặc toà án.

Câu hỏi 36: Xin cho biết thời hiệu khiếu nại, khởi kiện tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hoá?

Trả lời:

Điều 56 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định thời hiệu khởi kiện như sau:

1. Thời hiệu khởi kiện về chất lượng sản phẩm, hàng hoá giữa người mua với người bán hàng được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự.

        2. Thời hiệu khiếu nại, khởi kiện về chất lượng sản phẩm, hàng hoá giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được thực hiện theo quy định của Luật thương mại.

3. Thời hiệu khiếu nại, khởi kiện đòi bồi thường do sản phẩm, hàng hoá không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường là 2 năm, kể từ thời điểm các bên được thông báo về thiệt hại với điều kiện thiệt hại xảy ra trong thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hoá có ghi hạn sử dụng và 5 năm kể từ ngày giao hàng đối với sản phẩm, hàng hoá không ghi hạn sử dụng.

Câu hỏi 37: Căn cứ vào những nguyên tắc nào để bồi thường thiệt hại?

Trả lời:

Điều 59, Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 quy định các nguyên tắc bồi thường thiệt hại dựa trên hai căn cứ như sau:

 

        1. Thiệt hại do vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.

        2. Thiệt hại được bồi thường là thiệt hại được quy định tại Điều 60 của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trừ trường hợp các bên tranh chấp có thỏa thuận khác. 

        Câu hỏi 38: Dựa trên cơ sở nào để bồi thường thiệt hại đối với sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng?

Trả lời:

Điều 60, Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định các thiệt hại phải bồi thường do hàng hóa không bảo đảm chất lượng như sau:

 1. Thiệt hại về giá trị hàng hóa, tài sản bị hư hỏng hoặc bị huỷ hoại.

 2. Thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ con người.

 3. Thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác hàng hóa, tài sản.

 4. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

 

Câu hỏi 39: Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa hiện hành quy định như thế nào về trách nhiệm bồi thường thiệt hại?

Trả lời:

Điều 61 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

1. Người sản xuất, người nhập khẩu phải bồi thường thiệt hại cho người bán hàng hoặc người tiêu dùng khi hàng hóa gây thiệt hại do lỗi của người sản xuất, người nhập khẩu không bảo đảm chất lượng hàng hóa, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 62 của Luật này. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo thoả thuận giữa các bên có liên quan hoặc theo quyết định của toà án hoặc trọng tài.

2. Người bán hàng phải bồi thường thiệt hại cho người mua, người tiêu dùng trong trường hợp thiệt hại phát sinh do lỗi của người bán hàng không bảo đảm chất lượng hàng hóa, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 62 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo thoả thuận giữa các bên có liên quan hoặc theo quyết định của toà án hoặc trọng tài.

Câu hỏi 40: Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa hiện hành có quy định các trường hợp người sản xuất, người nhập khẩu không phải bồi thường thiệt hại không?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 62 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định các trường hợp sau đây người sản xuất, người nhập khẩu không phải bồi thường thiệt hại:

- Người bán hàng bán hàng hoá đã hết hạn sử dụng; người tiêu dùng sử dụng hàng hóa đã hết hạn sử dụng;

- Đã hết thời hiệu khiếu nại, khởi kiện;

- Đã thông báo thu hồi hàng hoá có khuyết tật đến người bán hàng, người sử dụng trước thời điểm hàng hoá gây thiệt hại;

- Sản phẩm, hàng hoá có khuyết tật do tuân thủ quy định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Trình độ khoa học, công nghệ của thế giới chưa đủ để phát hiện khả năng gây mất an toàn của sản phẩm tính đến thời điểm hàng hoá gây thiệt hại;

- Thiệt hại phát sinh do lỗi của người bán hàng;

- Thiệt hại phát sinh do lỗi của người mua, người tiêu dùng.