Hỏi - đáp tình huống pháp luật

Hỏi đáp về Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (Phần 5)

11/05/2016

Hỏi đáp về Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (Phần 5)

Câu hỏi 41: Trường hợp nào người bán hàng không phải bồi thường thiệt hại cho người mua, người tiêu dùng?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 62 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định các trường hợp sau đây người bán hàng không phải bồi thường thiệt hại cho người mua, người tiêu dùng:

- Người tiêu dùng sử dụng hàng hoá đã hết hạn sử dụng;

- Đã hết thời hiệu khiếu nại, khởi kiện;

        - Đã thông báo hàng hoá có khuyết tật đến người mua, người tiêu dùng nhưng người mua, người tiêu dùng vẫn mua, sử dụng hàng hoá đó;

- Hàng hoá có khuyết tật do người sản xuất, người nhập khẩu tuân thủ quy định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Trình độ khoa học, công nghệ của thế giới chưa đủ để phát hiện khả năng gây mất an toàn của hàng hóa tính đến thời điểm hàng hoá gây thiệt hại;

- Thiệt hại phát sinh do lỗi của người mua, người tiêu dùng.

Câu hỏi 42: Pháp luật hiện hành quy định về việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa như thế nào?

Trả lời:

        Điều 66, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 quy định về việc xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá như sau:

 1. Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

   2. Tổ chức vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 3. Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được ấn định ít nhất bằng giá trị sản phẩm, hàng hoá vi phạm đã tiêu thụ và nhiều nhất không quá năm lần giá trị hàng hoá vi phạm đã tiêu thụ; tiền do vi phạm mà có sẽ bị tịch thu theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 43: Những đối tượng nào được quyền khởi kiện hành chính đối với các hành vi vi phạm chất lượng sản phẩm, hàng hóa?

Trả lời:

Điều 67, Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 quy định về việc khởi kiện hành chính như sau:

        Tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền tại toà án về quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hoá theo quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

        Câu hỏi 44: Trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá?

Trả lời:

Điều 68 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định:

        1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá trong phạm vi cả nước.

        2. Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

       3. Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

        4. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá trong phạm vi địa phương theo phân cấp của Chính phủ.

        Câu hỏi 45: Trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa của Bộ Khoa học và Công nghệ?

        Trả lời:

        Điều 69 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định Bộ Koa học và Công nghệ có trách nhiệm:

        1. Xây dựng, ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và văn bản quy phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

        2. Chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình quốc gia nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.

        3. Thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất theo quy định tại khoản 1 Điều 70 của Luật.

        4. Tổ chức và chỉ đạo hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường, trong quá trình sử dụng liên quan đến an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, thiết bị đo lường và hàng hoá khác trừ hàng hoá thuộc trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định tại khoản 2 Điều 70 của Luật này.

        5. Chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng, quy chế quản lý các tổ chức đánh giá sự phù hợp, quy chế chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm trong sản xuất và hàng hóa trong xuất khẩu, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường; tổ chức hoạt động hợp tác quốc tế về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

        6. Chủ trì tổ chức đánh giá, đề xuất các hình thức tôn vinh, khen thưởng cấp quốc gia đối với sản phẩm, hàng hoá của tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc về hoạt động chất lượng sản phẩm, hàng hóa; quy định điều kiện, thủ tục xét tặng giải thưởng của tổ chức, cá nhân về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

        7. Theo dõi, thống kê, tổng hợp tình hình quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong cả nước; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo, phổ biến kiến thức, thông tin về chất lượng và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

        8. Thanh tra việc chấp hành pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong lĩnh vực được phân công.

        Câu hỏi 46: Trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa của Bộ Y tế?

        Trả lời:

        Bộ Y tế chịu trách nhiệm đối với thực phẩm, dược phẩm, vắc xin, sinh phẩm y tế, mỹ phẩm, nguyên liệu sản xuất thuốc và thuốc cho người, hoá chất gia dụng, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn, trang thiết bị y tế.

        Câu hỏi 47: Trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn?

        Trả lời:

          Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm đối với cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chế phẩm sinh học dùng trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, công trình thuỷ lợi, đê điều;

        Câu hỏi 48: Trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa của Bộ Giao thông vận tải?

        Trả lời:

        Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm đối với phương tiện giao thông vận tải, phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công vận tải chuyên dùng, phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác trên biển, công trình hạ tầng giao thông.

        Câu hỏi 49: Trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa của Bộ Công Thương?

        Trả lời:

        Bộ Công Thương chịu trách nhiệm đối với thiết bị áp lực, thiết bị nâng đặc thù chuyên ngành công nghiệp, hoá chất, vật liệu nổ công nghiệp, trang thiết bị khai thác mỏ, dầu khí, trừ các thiết bị, phương tiện thăm dò, khai thác trên biển.

         Câu hỏi 50: Trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa của Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an?

        Trả lời:

        Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm đối với công trình dân dụng, công trình công nghiệp, công trình hạ tầng kỹ thuật.

        Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm đối với phương tiện, trang thiết bị quân sự, vũ khí đạn dược, khí tài, sản phẩm phục vụ quốc phòng, công trình quốc phòng.

        Bộ Công an chịu trách nhiệm đối với trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy; trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí đạn dược, khí tài, công cụ hỗ trợ, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản này.